Trong tập truyện tranh này, cô ca sĩ người Ý Bianca Castafiore, dẫn theo hai người tùy tùng là Irma và Igor Wagner, "tự mời" mình đến lâu đài Moulisart của thuyền trưởng Haddock ở lại vài ngày. Thuyền trưởng cực kỳ không thích bà Castafiore, trong nỗ lực bỏ trốn đã tự làm chấn thương chân mình. Sau đó báo chí truyền tụng là Castafiore và thuyền trưởng Haddock đính hôn với nhau, rồi người gypsy đến ở gần lâu đài, rồi đài truyền hình kéo đến quay phim, rồi giáo sư Tournesol thử nghiệm tivi màu. Trong tất cả sự rối ren đó, viên ngọc bích của bà Castafiore lại bị mất trộm. Tintin lên đường điều tra. Những người trong lâu đài ai cũng đáng nghi ngờ nhưng tất cả manh mối Tintin lần theo đều dẫn đến số 0..
Đây là một tập truyện khác hẳn phong cách thường thấy của bộ Tintin. Toàn bộ câu chuyện chỉ xảy ra quanh lâu đài Moulinsart, các nhân vật không ra nước ngoài mà cũng không đối đầu với nhóm tội phạm nguy hiểm nào. Phong cách chậm rãi của truyện còn làm nhiều người lúc đó còn tưởng rằng đây là tập cuối của bộ truyện tranh Tintin. Chính vì lý do này mà tập "Viên ngọc bích Castafiore" không đạt được thành công thương mại như những tập khác.
Một vài thông tin chú thích thêm cho truyện
- Nội dung câu chuyện này được truyền cảm hứng từ việc nữ diễn viên người Ý Sophia Loren bị mất trộm nữ trang khi đang quay bộ phim The Millionairess ở Anh vào năm 1960. Nữ trang của bà được để trong cái hộp da, cất trong ngăn kéo ở nhà. Khi kẻ trộm vào, có vài người giúp việc ở nhà, bối cảnh cũng giống như trong truyện này. Người ta đã không bao giờ tìm được kẻ lấy cắp nữ trang của diễn viên Loren
Bà Castafiore với chuỗi hạt tương tự cô diễn viên |
- Hình ảnh nhân vật Castafiore trong truyện này được Hergé khắc họa theo danh ca opera Maria Callas, ở các chi tiết như việc bà luôn bị báo chí đeo đuổi và thay y phục khác nhau mỗi khi xuất hiện. Mỗi lần sợ hãi, bà Castafiore đưa tay lên ôm mặt, đó là vẽ lại theo một tấm hình chụp của Maria Callas
Bà Castafiore có giọng hát rất khỏe có thể làm vỡ cả kính. Mỗi lần xuất hiện bà thường hát các câu trong vở opera Faust rất nổi tiếng của Pháp (một chi tiết không phù hợp lắm với thân thế người Ý của bà). Bà không bao giờ gọi đúng tên thuyền trưởng Haddock. Lý do là lần đầu tiên gặp nhau ở tập "Điệp vụ Tournesol", thuyền trưởng Haddock đã quá run mà cứ tự nói lộn tên mình.
Tên của bà trong tiếng Ý nghĩa là "đóa hoa trinh trắng"
- Ở trang 37, thuyền trưởng Haddock hỏi hai anh cảnh sát Dupond và Dupont là "Liệu hai anh đã từng là lính súng dài, lúc nào cũng tới chậm như trong vở nhạc kịch của Offenbach hay không?". Ở đây thuyền trưởng Haddock muốn nói tới vở kịch Les Brigands (Bọn kẻ cướp) của Offenbach trong đó có câu hát "Nous sommes les carabiniers / La sécurité des foyers / Mais, par un malheureux hasard / Au secours des particuliers / Nous arrivons toujours trop tard." (Chúng tôi là cảnh sát súng trường/ Là niềm tin của các gia đình/ Nhưng nếu rủi mà / Có ai cần đến cứu/ Thì thể nào chúng tôi cũng đến trễ)
Từ vở nhạc kịch này mà có câu thành ngữ "Arriver comme les carabiniers" (Đến chậm như cảnh sát súng trường)
- Ở trang 43, chúng ta thấy Tintin đọc một cuốn sách. Đây có thể là cuốn "Treasure Island" (Đảo châu báo) của Robert Louis Stevenson, một tác phẩm yêu thích của Hergé. Cuốn tiểu thuyết này đã tạo nên mô-tip cướp biển mà chúng ta quen thuộc ngày nay: tên thuyền trưởng với cái chân gỗ và con vẹt trên vai, kho báu giấu ở hòn đảo nhiệt đới, tấm bản đồ chỉ đường có đánh dấu X ( trong thực tế bọn cướp biển hầu như không bao giờ chôn tài sản cướp được của mình). Trong truyện này, bà Castafiore cũng tặng cho thuyền trưởng Haddock một con két để làm bạn
Cuốn sách trên tay Tintin có thể là cuốn "Đảo châu báu" |
0 nhận xét :
Post a Comment